Để có thể tiếp cận được khách hàng của bạn trong thời đại digital này có muôn vàn cách. Bạn có thể chạy quảng cáo (Facebook, Google Adword), sử dụng các kênh OTA, PR trên báo chí…
Thế nhưng các phương thức trên đều mang tính thời hạn và đa số là ngắn hạn. Vậy bạn nghĩ sao nếu có một cách tiếp cận khách hàng cực kì hiệu quả mà lại lâu dài, một khi bạn đã thành công thì chỉ việc hưởng thụ thành quả?
Hãy cùng Cohousing tìm hiểu làm sao để làm được điều đó qua bài viết này Hướng dẫn viết content review homestay chuẩn SEO tăng booking 2023.
Mục Lục Bài Viết
SEO là gì?
SEO là viết tắt của Search Engine Optimization hay còn được gọi một cách “học thuật” là tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm. Là tất cả những hoạt động tối ưu nội dung sao cho thỏa mãn các thuật toán của bộ máy tìm kiếm nhằm mục đích đưa nội dung của bạn lên những thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm (SERPs)
Như các bạn đã biết, mỗi một bộ máy tìm kiếm (search engine) đều sẽ có những thuật toán, tiêu chuẩn riêng để đánh giá chất lượng content của bạn. Nhưng về cơ bản, cứ là một bộ máy tìm kiếm thì đều có thể tối ưu được. Nghĩa là bạn có thể SEO cho Fanpage, Youtube, Bing,… và tất cả các bộ máy khác.
Có rất nhiều search engine trên thị trường hiện tại, nhưng mỗi khi nhắc đến SEO thì search engine mà mọi người luôn luôn hướng đến đó là Google.
Tại sao là Google?
Có thể bạn chưa biết, Google hiện tại đang là bộ máy tìm kiếm có lượng người truy cập “khủng” nhất tính trên toàn thế giới. Theo thống kê, cứ mỗi một ngày có khoảng gần 5 tỷ lượt tìm kiếm trên Google ở phạm vi toàn thế giới.
Google hiện tại cũng đang bất bại trên thị trường với con số gần 80% thị phần. “Đè bẹp” hoàn toàn các đối thủ cùng ngành như Yahoo, Bing, Naver,…
Và cuối cùng, Google là một trong những bộ máy tìm kiếm có nhiều thuật toán, và thuật toán có độ phức tạp nhất. Vậy nên nếu bạn đã tối ưu tốt được trên Google, thì khả năng rất cao là các bạn cũng sẽ có được những thứ hạng tốt trên các công cụ tìm kiếm khác.
Nguyên lí hoạt động của Google
Về cơ bản, bạn có thể SEO cho bất kì nội dung nào như fanpage, website, một bài viết, hay căn hộ của bạn trên các trang OTA như Airbnb, Luxstay. Bất cứ nội dung gì miễn là nó thỏa mãn một điều kiện duy nhất đó là hiện hữu dưới dạng một #URL (Trang đích).
Vậy nên việc những bài viết trên website, những listings của bạn trên các kênh OTA đều có thể xuất hiện trong top Google nếu bạn tối ưu đủ tốt.
Hướng dẫn viết content review homestay chuẩn SEO
Google đúng là có rất nhiều thuật toán, không sai! Thế nhưng đừng vì thế mà quá lo lắng, hãy follow từng bước từng bước theo hướng dẫn của mình dưới đây, việc “lên top” của bạn là hoàn toàn khả thi!
Bước 1: Xác định mục đích – chủ đề bài viết
Xác định mục đích bài viết là điều đầu tiên bạn cần phải làm trước khi đặt bút viết bất cứ thứ gì. Việc nắm rõ được mục đích bài viết sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng, dễ dàng trong việc phác họa dàn ý bài viết. Tránh trường hợp viết quá lan man, lạc đề.
Bạn cần xác định rõ, bài viết này mang mục đích bán hàng hay tiếp cận khách hàng tìm năng? Hay muốn tăng nhận diện thương hiệu? Mỗi một mục tiêu khác nhau sẽ dẫn đến content cũng sẽ khác.
Sau khi đã xác định được mục đích bài viết, bạn có thể lựa chọn chủ đề phù hợp với mục đích của mình. Có thể là review 1 căn homestay nào đó tại Đà Lạt? Hoặc viết một cẩm nang chia sẻ kinh nghiệm du lịch tại Hà Nội… Có thể là bất kỳ nội dung nào bạn thấy phù hợp.
Bước 2: Nghiên cứu khách hàng
Khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng mà bạn cần xem xét. Càng hiểu khách hàng bao nhiêu, bạn càng có nhiều cơ hội “chốt đơn” cao bấy nhiêu!
Việc viết những nội dung “gãi” đúng chỗ “ngứa” của khách hàng sẽ là chìa khóa giúp bạn tiến gần hơn với khách hàng hơn bao giờ hết. Có những khách hàng bị ấn tượng bởi những câu từ trau chuốt, lời lẽ cảm xúc đầy tính văn thơ. Một số lại đặt nhiều sự quan tâm hơn vào những hình ảnh, hay những tiểu tiết khác.
Tóm lại, bạn sẽ cần nghiên cứu thật kĩ tệp khách hàng mục tiêu của bạn để đưa ra những content hợp lí nhé!
Bước 3: Nghiên cứu từ khóa (keyword)
Đây là phần quan trọng nhất trong việc tối ưu bài viết của bạn, bạn cần xác định từ khóa chính của bài viết. Và từ khóa đó cần đảm bảo là phải bao quát được hết ý định tìm kiếm (Search intent) của khách hàng.
Để mình lấy ví dụ cho bạn dễ hiểu nhé. Một từ khóa có thể có rất nhiều ý định tìm kiếm khác nhau, việc xác định sai nhiều khi sẽ phản tác dụng. Ví dụ với từ khóa “homestay” thì có thể xảy ra trường hợp là khách hàng muốn đặt phòng homestay nhưng cũng có thể là khách hàng muốn tìm hiểu nghĩa của từ đó.
Thông thường một từ khóa sẽ có rất nhiều chỉ số khác nhau, nhưng bạn chỉ cần quan tâm đến 3 chỉ số sau:
- Volume search (Lượng tìm kiếm/tháng): Từ khóa có càng nhiều search thì càng tiềm năng.
- KD (Key difficulty): Độ khó hoặc độ cạnh tranh của từ khóa. KD càng thấp thì càng dễ lên top.
- Conversion rate: Tỉ lệ chuyển đổi của từ khóa đó. Tỉ lệ chuyển đổi càng cao thì cơ hội chốt đơn càng cao.
Có rất nhiều tool để có thể nghiên cứu từ khóa từ trả phí cho đến miễn phí. Các bạn có thể tham khảo cách nghiên cứu từ khóa trong bài viết này.
Trong một bài viết sẽ có một nhóm keyword, trong đó có các từ khóa chính và từ khóa phụ. Từ khóa phụ sẽ là những từ khóa liên quan, đồng nghĩa hoặc được mở rộng ra từ từ khóa chính.
Ví dụ từ khóa chính là: “Homestay Hà Nội” thì các từ khóa phụ có thể là “homestay hà nội giá rẻ”, “homestay hà nội cho cặp đôi”, “homestay hà nội cao cấp”,….
Bước 4: Viết content chuẩn SEO
Sau khi đã có outline cụ thể, tổng hợp được những ý mà bạn muốn có trong bài viết. Thì bây giờ là lúc để bạn đặt bút để viết content chuẩn SEO. Bên dưới đây sẽ là một số lưu ý cho bạn:
Tiêu đề
Nên nhớ, tiêu đề là rất quan trọng. Đôi khi lên được top 1 nhưng CTR lại thấp hơn top 2 top 3, đơn giản vì những nội dung ở top 2 3 đó có tiêu đề cuốn hút hơn. Ngoài điều kiện là keyword chính cần phải có trong tiêu đề thì bạn cần viết tiêu đề thật hay để kêu gọi khách hàng click vào nội dung của bạn.
Một số tips dành cho bạn: Hãy dùng những từ khóa có độ CTA cao. Ví dụ bài viết của bạn là về review homestay thì có thể là “review homestay chi tiết có tâm nhất” hay bài viết về địa điểm du lịch thì có thể cân nhắc “Top địa điểm du lịch Hà Nội bạn nhất định phải đến 2023”.
Theo thống kê của Google, những tiêu đề có mốc thời gian như “năm 2020”, “năm 2023” thường có tỉ lệ CTR cao hơn. Vì người dùng luôn muốn tìm kiếm những thông tin mới, và được cập nhật theo xu hướng. Chứ họ không muốn tìm một bài top địa điểm du lịch “cũ rích” từ năm 2010. Hãy lưu ý điều này nhé!
Mật độ từ khóa
Từ khóa chính của bạn sẽ phải là từ được xuất hiện nhiều nhất trong bài, nó phải là chủ đề chính mà nội dung bài viết bạn xoay quanh. Thế nhưng sẽ chẳng có một con số cụ thể nào là lí tưởng cho mật độ từ khóa.
Kinh nghiệm của mình là hãy ưu tiên người dùng, ưu tiên độ tự nhiên của nội dung. Đừng vì cố chèn thêm từ khóa vào trong bài mà khiến cho câu từ trong nội dung trở nên lủng củng. Theo thống kê, những bài viết chuẩn SEO có mật độ từ khóa nằm trong khoảng 1-3% tổng số từ của bài viết đó.
Một điều nữa khá quan trọng, Google chính là fan của những “từ khóa liên quan” (LSI keyword) Việc có nhiều những từ khóa liên quan trong bài sẽ là điểm cộng lớn đưa nội dung của bạn lên thứ hạng cao hơn trên bộ máy này. Hãy cố gắng sử dụng những từ đồng nghĩa, từ khóa có cùng chủ đề với từ khóa chính. Ví dụ từ khóa chính là “homestay” thì có những từ khóa liên quan như “căn hộ”, “apartment”, “chung cư”,…
Độ dài bài viết
Google cũng đánh giá content chất lượng qua số lượng từ của bài viết đó. Nó cho rằng một bài viết dài sẽ cung cấp nhiều nội dung hơn cho người đọc. Vậy nên, bài viết của bạn nên tối thiểu là 500 từ (để không bị gắn mác “thin content” )
Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất thì mình khuyên bạn nên viết nội dung có 1000 từ trở lên.
Hình ảnh
Hình ảnh là yếu tố cần phải có trong bất cứ loại nội dung nào. Nó khiến cho bài viết thêm sinh động và không bị nhàm chán. Đặc biệt trong ngành homestay, hình ảnh là một yếu tố bắt buộc. Không chỉ vậy, hình ảnh còn cần phải đủ đẹp, đủ sắc nét để tác động đến chuyển đổi của khách hàng.
Người ta thường nói “trăm nghe không bằng một thấy”, đôi khi bạn viết cả bài 2000-3000 từ khách chưa ưng, nhưng chỉ bằng việc show 1 2 ảnh ra là khách đã gật đầu “lia lịa” rồi.
Ngoài ra bạn cần viết đầy đủ captions, và gắn Geo-tag (Alt ảnh) cho các ảnh để giúp Google hiểu rõ hơn về nội dung mà hình ảnh muốn truyền tải.
Thẻ tiêu đề (Các heading)
Một nội dung chất lượng trong mắt Google, là nội dung được chia rõ ràng các tiêu đề. Ví dụ như tiêu đề là H1, sau đó các mục con chia thành H2,… Để hiểu rõ hơn bạn tham khảo bài viết này nhé Thẻ heading là gì trong website? Cách viết thế nào cho chuẩn SEO?
Kiên nhẫn
Điều kiện cuối cùng trong SEO, đó là sự kiên nhẫn. Vì SEO không giống như chạy Google Adword, sẽ không lên được top sau 1 2 ngày. Mà thậm chí có những bài viết cần đến 1-2 năm để có thể lên được top. Vì vậy, SEO sẽ không phù hợp trong trường hợp bạn đang muốn có những đơn hàng ngay lập tức. Hãy coi SEO như một hình thức đầu tư, bạn sẽ cần nhiều thời gian và công sức để triển khai trong thời gian đầu. Nhưng một khi đã thành công thì hiệu quả nó mang lại cũng như chi phí bạn có thể tiết kiệm được tốt hơn chạy quảng cáo rất nhiều.
Kết luận
SEO là một phương pháp giúp bạn tiếp cận được khách hàng cực kì hiệu quả mà lại lâu dài. Vậy nên, đừng bỏ qua phương pháp này nhé. Hãy ghé qua Cohousing thường xuyên để nhận được những chia sẻ, kinh nghiệm trong ngành lưu trú! Và đừng quên để lại bình luận bên dưới nếu bạn gặp bất kì vấn đề gì, mình sẽ cố gắng giải đáp hết mọi câu hỏi của các bạn!