Với những nhà đầu tư kinh nghiệm, M&A không phải là một khái niệm xa lạ. Thực chất, trong thế giới kinh doanh, đã có rất nhiều thương vụ M&A diễn ra. Hãy cùng Cohousing thâm nhập vào thế giới của các nhà đầu tư và tìm hiểu về M&A nhé!
Mục Lục Bài Viết
M&A là gì?
M&A viết tắt cho hai từ Merger (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Theo Investopedia, trang web hàng đầu về các thông tin tài chính, M&A là cụm từ miêu tả việc hợp nhất các công ty hay tài sản trên thị trường thông qua các giao dịch tài chính bao gồm sáp nhập, mua lại, hợp nhất, Tender Offer (chào mua công khai), mua tài sản, Management Buyout (Mua lại để giữ quyền quản lý).
Thông thường, hai từ Sáp nhập và Mua lại được sử dụng thay thế cho nhau. Trái ngược với suy nghĩ của đa số, Sáp nhập và Mua lại là hai khái niệm khác nhau. Khi một công ty tiếp quản một công ty mới với tư cách là chủ sở hữu mới, việc mua bán là mua lại (acquisitions).
Sáp nhập (merger) là khi hai công ty, thông thường có cùng quy mô, hợp sức với mục tiêu trở thành một thực thể mới, thay vì là hai công ty tách biệt và độc lập. Một vụ mua bán cũng được coi là sáp nhập khi CEO của hai công ty đồng ý rằng việc hợp nhất là cách tốt nhất cho cả hai.
Thôn tính thù địch (Unfriendly/Hostile takeover) cũng được coi là mua lại. Dùng từ sáp nhập hay mua lại phụ thuộc vào cách thương vụ mua bán được thông báo với các bên liên quan như hội đồng quản trị, nhân viên…
Lý do đằng sau M&A
Các công ty thực hiện M&A vì nhiều lý do. Lý do thường thấy nhất là để tăng trưởng vì thị phần tăng lên đáng kể.
Tăng trưởng
Các công ty có thể quyết định thực hiện một thương vụ M&A để mở rộng thị phần hoặc tăng mạng lưới của mình trên thị trường. Một công ty muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình sang một thị trường mới, tuy nhiên, việc bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, đặc biệt khi đó là một thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh, mở rộng kinh doanh sẽ là bài toán khó giải.
M&A cho phép công ty có thêm nhiều cơ sở khách hàng trong thời gian ngắn. Nói cách khách, M&A là cách để mở rộng kinh doanh mà không tốn quá nhiều công sức. Điều này cũng đem đến lợi thế cạnh tranh vì loại bỏ đối thủ nặng ký, tăng thị phần.
Giảm chi phí
Khi hai công ty cung cấp những hàng hóa, dịch vụ giống nhau, việc kết hợp sẽ giúp cắt giảm chi phí, cụ thể là chi phí chuỗi cung ứng. Hai công ty có thể kết hợp địa điểm, giảm chi phí vận hành bằng cách kết hợp các hoạt động hỗ trợ.
Ngoài ra, một công ty cũng có thể mua nhà cung cấp hoặc nhà phân phối nguyên liệu cho mình. Cách này cho phép công ty mua giảm lợi nhuận mà nhà cung cấp đã thêm vào chi phí và giảm phí vận chuyển của nhà phân phối. Khi chi phí giảm, doanh thu không đổi thì lợi nhuận cũng sẽ tăng lên.
Tồn tại
Đôi khi M&A là cách duy nhất để một công ty có thể sống sót trên thị trường. Thực tế, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, rất nhiều công ty đã sử dụng M&A để tồn tại và tiếp tục phát triển. Rất nhiều ngân hàng sáp nhập để tháo gỡ đòn bẩy tài chính, nói cách khác là giảm nợ thay vì phá sản.
Những thương vụ M&A nổi tiếng
Chiến lược M&A phù hợp không chỉ đơn giản là “nuốt chửng” một công ty khác mà sẽ đem đến sức mạnh kinh doanh, giúp các công ty, tập đoàn chuyển mình. Hãy cùng tìm hiểu một số thương vụ M&A đình đám trên thế giới và tại Việt Nam nhé.
Microsoft mua lại Nokia
Với Microsoft, ông lớn này tuy rất thành công ở mảng máy tính, khi nhà nhà sử dụng hệ điều hành Windows, lại không quá thành công ở lĩnh vực điện thoại. Sau sự thành công của iPhone vào năm 2010, Windows đưa ra một đối thủ cạnh tranh, Windows Phone với trải nghiệm người dùng (UX) mới mẻ, chưa từng thấy ở đâu khác. Sau này, UX này được phát triển, trở thành Universal Windows Platform, cấu trúc ứng dụng thống nhất của Microsoft và được sử dụng cho hệ điều hành Windows 10 và các thiết bị Windows khác.
Tuy nhiên, Microsoft cần một nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho sản phẩm của mình. Trong khi iOS của Apple và Android của Google đang trên đà chiếm lĩnh, Windows Phone là một lựa chọn mạo hiểm. Và công ty quyết định mạo hiểm là Nokia. Nokia cũng đang gặp vấn đề vì thị trường điện thoại đang bị chiếm lĩnh bởi dòng điện thoại thông minh của Apple và Samsung.
Ban đầu, hai công ty quyết định hợp tác. Tuy nhiên, sự hợp tác này không đem đến lợi nhuận cho Nokia. Đến năm 2013, Nokia cân nhắc đến việc chuyển mình sang Android, thậm chí họ đã thiết kế một vài mẫu thử chạy Android. Nokia, với khả năng sản xuất và nghiên cứu, phát triển của mình, chứng minh rằng họ sẽ là kênh phân phối quan trọng cho Windows, đặc biệt thông qua mối quan hệ hợp tác trước đó.
Vì vậy, vào tháng 9 năm 2013, Microsoft mua lại Nokia với giá hơn 7 tỷ đô la Mỹ. Thương vụ mua bán bao gồm tài sản của Nokia tại Phần Lan cũng như các cơ sở sản xuất tại Châu Á và 24,000 nhân viên. Nhiều chuyên gia băn khoăn tại sao Microsoft không chỉ đơn giản thương thảo hợp đồng sản xuất, quan hệ vận tải và thuê các kỹ sư với một số tiền ít hơn rất nhiều.
Thương vụ M&A giữa Microsoft và Nokia là một thương vụ nổi tiếng nhưng không phải một thương vụ thành công cho cả hai. Sự băn khoăn của các chuyên gia là chính xác. Microsoft chật vật để củng cố nền tảng phát triển cho hai phiên bản hệ điều hành phát hành cho desktop và điện thoại. Công ty cũng thất bại trong việc thu hút nhà phát triển và các hợp đồng hợp tác về vận chuyển để giúp dòng điện thoại Lumia thành công.
Sáp nhập VinCommerce, VinEco vào Masan Consumer Holding
Tháng 12/2019, hai tập đoàn VinGroup và Masan hoàn thành thỏa thuận việc sáp nhập VinCommerce, VinEco, hai công ty thành viên có vốn 100% từ VinGroup sẽ sáp nhập với Masan Consumer Holding của tập đoàn Masan để trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Nhìn chung, đây là một thương vụ tích cực với cả hai tập đoàn. Lĩnh vực bán lẻ đúng là đang đem đến doanh thu nhiều hơn cho VinGroup, chỉ kém bất động sản, tuy nhiên, doanh thu sau thuế năm 2018 đã lên đến hơn 21 nghìn tỷ đồng. VinGroup muốn tập trung vào công nghiệp và công nghệ thay vì tiếp tục đầu tư vào mảng bán lẻ, lĩnh vực vốn không phải lợi thế của tập đoàn này.
Mô hình 3F (Feed – Farm – Food), từ trang trại đến bàn ăn của Masan sẽ thêm hoàn thiện với sự xuất hiện của VinCommerce và VinEco. Mạng lưới VinMart và VinMart+ trải dài khắp Việt Nam giúp Masan giải quyết những khó khăn, giảm thiểu chi phí trong việc phân phối hàng hóa của mình, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh, tăng lợi nhuận.
Điểm tích cực trong thương vụ M&A này nằm ở việc đây đều là hai tập đoàn Việt chứ không phải một công ty Việt bị mua lại hay sáp nhập với một công ty nước ngoài. Hai ông lớn Việt Nam hợp lực để cùng phát triển, giúp hàng hóa Việt lưu thông tốt hơn.
Cũng có một số câu hỏi còn bỏ ngỏ về thương vụ này. Masan là ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhưng chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm trong việc phân phối hàng. Ngoài ra, Masan và VinCommerce có khá nhiều sản phẩm cạnh tranh với nhau. Khi này, liệu Masan có loại bỏ những sản phẩm của VinCommerce để tăng lợi thế cạnh tranh của mình không?
Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi thương vụ M&A được thông báo. Cho đến bây giờ, ta có thể thấy Masan vẫn đang làm tốt. Thời gian sẽ trả lời liệu đây có phải một thương vụ M&A thành công hay không.
Cohousing hi vọng rằng bài viết trên đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về M&A.