Một vài năm trở lại đây, cụm từ phát triển bền vững (sustainable development) và các từ khác liên quan đến tính bền vững (sustainability) được nhắc đến rất nhiều trong các bài báo, bài phát biểu và cả nghiên cứu. Người người nói về phát triển bền vững, nhà nhà nói về phát triển bền vững. Vậy bạn đã thật sự hiểu về bền vững và các khía cạnh ứng dụng của nó? Cùng Cohousing tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết sau đây!
Mục Lục Bài Viết
Sustainability là gì?
Trước tiên, chúng ta đi tìm hiểu khái niệm. Sustainability là gì?
Sustainability dịch sang tiếng Việt là tính bền vững. Nó được sử dụng để mô tả sự tập trung của một người, một tổ chức vào việc phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ở hiện tại đồng thời không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ sau này. Tính bền vững bao gồm ba lĩnh vực chính: kinh tế, xã hội và môi trường.
Khía cạnh của sustainability
Kinh tế
Economic sustainability, hay bền vững về kinh tế, có nghĩa là loài người chúng ta được phép tự do mua bán, hoạt động thương mại, tài chính,… và sử dụng các nguồn lực có được từ những hoạt động này để phục vụ nhu cầu bản thân. Tuy nhiên, cái “tự do” ấy không thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, đến các tổ chức kinh tế khác đang hoạt động, đến xã hội và môi trường.
Song song với đó, hệ thống kinh tế cũng cần đảm bảo được rằng các nguồn lực nằm bên trong hệ thống đó phải đủ nhiều để có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người.
Một tổ chức được xem là đang phát triển kinh tế theo hướng bền vững chỉ khi tổ chức đó đạt được sự tăng trưởng kinh tế về chất lượng trong quãng thời gian dài liên tục. Hơn nữa, sự phát triển kinh tế đó phải đi kèm với việc đảm bảo tính sustainability của các yếu tố khác như môi trường, văn hóa, xã hội.
Ngày nay, bền vững về kinh tế vẫn đã dần trở nên quen thuộc hơn và được xem như “tầm nhìn” của nhiều tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các doanh nghiệp khai thác lợi nhuận từ việc sản xuất đồ dùng một lần, tạo ra ô nhiễm môi trường một cách nặng nề. Bên cạnh đó, gánh nặng đang đè lên vai nền kinh tế thế giới là rất lớn, khi dân số ngày một tăng còn nguồn lực của hành tinh này là hữu hạn.
Xã hội
Sự phát triển bền vững về mặt xã hội của một tổ chức chỉ xảy ra khi tổ chức đó có thể quản lý được các tác động của mình đối với con người trong xã hội. Ở vòng tròn nhỏ hơn, sự phát triển của tổ chức có tác động đến những người thuộc tổ chức đó. Ở vòng tròn lớn hơn, các tổ chức có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cộng đồng quanh mình.
Đối với một số doanh nghiệp, việc nỗ lực phát triển tính bền vững về xã hội chính là một trong những yếu tố giúp họ có được giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, đối với một số doanh nghiệp khác, việc thể hiện được tính bền vững về xã hội có thể giúp họ tiếp cận thị trường mới, giữ chân đối tác kinh doanh, tăng độ nhận diện và uy tín thương hiệu trong mắt khách hàng,…
Social sustainability cũng là một danh mục cực kỳ quan trọng trong số các mục tiêu hàng đầu về phát triển bền vững về nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Từ đó khiến cho cụm từ này ngày càng trở nên quan trọng và được chú ý nhiều ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Môi trường
Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là những cụm từ dường như đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam, với những cái tên nổi bật như Greta Thunberg, Thỏa thuận chung Paris,… Mà tất cả những cụm từ hay cái tên ấy, đều liên quan đến việc thực hiện mục tiêu bền vững môi trường.
Nguồn lực thiên nhiên có hạn, trong khi đó, nhu cầu của con người ngày một tăng cao, nền kinh tế cần khai thác thiên nhiên để có thể tiếp tục phát triển. Tất cả những điều ấy đã khiến cho thiên nhiên dần trở nên kiệt quệ, tạo ra những biến đổi lớn về khí hậu, nhiệt độ, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến đời sống con người ở hiện tại và cả tương lai.
Do đó, bền vững về môi trường (Environmental sustainability) là trách nhiệm của mỗi công dân trên toàn thế giới. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu để hỗ trợ sức khỏe, phúc lợi của chính loài người trong tương lai.
Tuy vậy, phát triển bền vững về môi trường lại không hề có một tiêu chuẩn cụ thể nào. Bởi nó còn phụ thuộc vào các điều kiện môi trường, kinh tế, xã hội của địa phương. Tùy thuộc vào vùng miền, địa lý, khí hậu, con người có thể tự do hoạt động, giao thương, khai thác – miễn là tốc độ khai thác và tiêu thụ ấy không cách quá xa tốc độ tự phục hồi của thiên nhiên.
Ảnh hưởng của sustainability
Sự quan tâm ngày một nhiều đến sustainability đã khiến các doanh nghiệp dần điều chỉnh các quyết định về hoạt động kinh doanh của mình sao cho gây ra ít tác động đến môi trường và xã hội nhất có thể. Lợi ích ngắn hạn dần được thay bằng lợi ích dài hạn, các yếu tố xã hội, con người và môi trường cũng được xem xét nhiều hơn bên cạnh lợi nhuận hoặc thua lỗ.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ban hành các cam kết về bền vững như sử dụng bao bì có thể phân hủy được, giảm lượng khí thải tổng thể trong thời gian nhất định, xử lý chất thải đúng cách, hợp tác với các bên cung ứng “xanh”,… Hơn nữa, các trào lưu sống xanh, trường chay, bảo vệ trái đất,… cũng trở nên phổ biến, góp phần không ít trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Dưới sự tàn phá kinh khủng đối với môi trường, thiên nhiên và cuộc sống con người của một nền kinh tế đang đi lên, chúng ta cũng cần xem xét lại di sản mình để lại cho thế hệ sau này. Để sustainability không chỉ là giải pháp “nằm trên giấy” nữa, mà thực sự có thể trở thành giải pháp của tương lai, chúng ta cần cùng nhau góp sức – đặt trên mình nghĩa vụ của một công dân toàn cầu!